Đẩy mạnh đầu tư công nghệ trong logistics phục vụ thương mại điện tử

Vượt qua Thái Lan và Malaysia, Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử, ở mức trên 30%.

Thương mại điện tử - lĩnh vực có giá trị hàng trăm nghìn USD đang là thị trường hết sức tiềm năng cho các doanh nghiệp logistics. Đón đầu cơ hội này, không ít các doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ để đáp ứng nhu cầu giao nhận, vận chuyển hàng hóa cả trong nước và quốc tế phục vụ thương mại điện tử trong năm nay.

Phần mềm giao hàng của Công ty Giao hàng nhanh hiện mới chỉ cho phép nhân viên nhận đơn và chia đơn theo khu vực để tiện đường giao hàng. Năm nay, với số lượng đơn hàng dự kiến tăng lên gấp 3 lần so với năm 2017, doanh nghiệp sẽ dành khoảng 2% doanh số để đầu tư nâng cấp công nghệ. Trong đó, có việc tích hợp tính năng định vị để gom các đơn hàng gần nhau vào một nhóm, nhằm giảm thời gian giao hàng.

Ông Nguyễn Trần Thi - Tổng Giám đốc Công ty Giao hàng nhanh nói: "Trong năm 2018, công ty sẽ cố gắng để đơn hàng trong nội thành Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM được giao trong 2 tiếng và tất cả người mua hàng trên toàn quốc có thể nhận hàng trong 24 tiếng".

Còn với Công ty T&M Forwarding, trước đây để đưa hàng trong nước đến với các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới, dịch vụ logistics chỉ theo hình thức B to B (tức từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp), vài năm trở lại đây cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức phục vụ đã chuyển sang B to B to C (tức là hàng hóa được đưa đến tận tay người tiêu dùng). Muốn làm được điều này, công nghệ là yếu tố rất quan trọng.

"Chúng tôi coi công nghệ là một khoản đầu tư, một trong những công cụ để nâng cao chất lượng dịch vụ. Bạn có thể gọi đó là chi phí phần mềm nhưng tôi gọi đó là đầu tư công nghệ" - ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty T&M Forwarding nói.

Ngay cả với các sàn thương mại điện tử quốc tế, tiêu chí để lựa chọn đơn vị giao nhận địa phương cũng dựa trên nền tảng công nghệ mà họ đang có bởi khi có công nghệ tốt, các công ty này mới có thể kết nối được với đối tác giao nhận nước ngoài.

Ông Fabian Wantd - Giám đốc vận hành Lazada Việt Nam - cho biết: "Công ty giao nhận Việt Nam hiểu thị trường, hiểu về vùng miền. Còn các công ty quốc tế lại có thế mạnh về công nghệ. Do đó, muốn có sự kết hợp tốt, phía công ty Việt Nam phải đầu tư để có giải pháp công nghệ tương thích".

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam là hơn 30%. Thị trường tiềm năng khiến nhiều doanh nghiệp trước đây chỉ làm thầu phụ cho các công ty chuyển phát nhanh nước ngoài thì nay đã chuyển hướng đầu tư sang logistics phục vụ thương mại điện tử.

Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nói: "Một số nước đã có nền tảng và phát triển công nghệ nhất định. Nền tảng công nghệ của chúng ta còn thấp buộc chúng ta phải cập nhật những công nghệ tiên tiến trong phát triển logistics cho thương mại điện tử".

Ông Hiệp cũng cho biết, theo thống kê thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện có giá trị khoảng 400 triệu USD. Dự kiến, đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên đến 8 tỷ USD. Do đó, các doanh nghiệp logistics cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, công nghệ để có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận tại thị trường tiềm năng này.

vtv.vn

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2