Để Hải Phòng trở thành trọng điểm dịch vụ logistics quốc gia và trung tâm dịch vụ logistics quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng thành phố cần tiếp tục phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông và chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa.
*Logistics tăng lợi thế cạnh tranh của Hải Phòng
Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết, thời gian qua, Trung ương và thành phố đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố; trong đó, hạ tầng cảng biển được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển vận tải biển khu vực và quốc tế.
Các bến cảng số 1 và 2 của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng nước sâu có khả năng đón tàu trên 130.000 tấn, đưa hàng hóa từ Hải Phòng đến thẳng các các châu lục) đã được đưa vào khai thác, sử dụng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng các bến số 3, 4, 5, 6 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Hệ thống giao thông đường bộ cơ bản đã đáp ứng kết nối cảng biển với các khu công nghiệp, khu dịch vụ, hệ thống cảng cạn, kết nối với các tỉnh, thành phố phía Bắc. Trong 5 năm qua, nhiều công trình lớn phục vụ đắc lực vận tải hàng hóa đưa vào sử dụng như đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng- Hạ Long đường và cầu Tân Vũ- Lạch Huyện.
Sân bay Cát Bi đầu tư xây dựng, nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế với công suất khai thác từ 4 đến 5 triệu hành khách mỗi năm. Hệ thống kho bãi phục vụ logistics đạt hơn 700 ha với hơn 60 kho, bãi chính.
Theo báo cáo của các sở, ngành liên quan tại Hải Phòng, hiện Hải Phòng có 28 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics với tổng vốn đăng ký là 116,1 triệu đô la Mỹ. Từ năm 2019, UBND thành phố Hải Phòng đã phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, thành phố sẽ có 6 trung tâm logistics.
Với thực tế và chiến lược phát triển hạ tầng logistics như vậy nên dịch vụ logistics tại Hải Phòng đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 20% đến 23%/ năm, đóng góp vào sự tăng trưởng GRDP của thành phố từ 13 - 15%/năm. Dịch vụ logistics phát triển đóng góp quan trọng tăng sức hấp dẫn trong thu hút vốn FDI.
Trong 11 tháng năm 2021, tổng vốn đầu tư FDI vào Hải Phòng đạt trên 2,8 tỷ đô la Mỹ. Tập đoàn LG tiếp tục tăng vốn đầu tư vào các dự án tại thành phố Hải Phòng, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn này đạt gần 8 tỷ đô la Mỹ và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Hải Phòng.
*Gỡ "điểm nghẽn" về giao thông và thủ tục hành chính
Bên cạnh những thế mạnh để phát triển dịch vụ logistics thì thực tế, việc phát triển dịch vụ này và đầu tư hạ tầng logistics tại Hải Phòng vẫn còn những hạn chế; trong đó phải đề cập đến các loại hình vận tải phát triển không đồng đều.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng, hơn 80% sản lượng hàng hóa sau khi thông qua hệ thống cảng biển của Hải Phòng tiếp tục lưu chuyển bằng đường bộ, trong khi mạng lưới giao thông này đã quá tải. Hoạt động vận tải đường thủy nội địa còn hạn chế do cơ sở hạ tầng và luồng tuyến chưa đảm bảo. Vận tải đường sắt lạc hậu, chưa kết nối tới hệ thống cảng khu vực Đình Vũ - Lạch Huyện.
Hàng hóa vận tải bằng đường sắt chỉ chiếm 3% sản lượng hàng hóa thông qua cảng. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics còn nhỏ lẻ, cung cấp dịch vụ manh mún dẫn đến gia tăng chi phí và thời gian trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải và logistics còn chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức.
Để giải quyết những bất cập này, đứng từ góc độ doanh nghiệp hoạt động trực tiếp, ông Ngô Trung Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng nêu một số đề xuất để hiện thực hóa mục tiêu đưa hàng hóa từ các trung tâm logistics thuộc khu vực kinh tế phía Bắc đến và rời cảng Hải Phòng nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm.
Theo đó, thành phố Hải Phòng sớm lập quy hoạch đồng bộ giữa các phương thức vận tải, triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa quốc gia, cải cách thủ tục hành chính. Thành phố hỗ trợ kết nối cho doanh nghiệp với các chủ hàng, đồng thời phát triển sàn giao dịch vận tải nhằm kết nối tốt nhất các chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, tạo cơ sở cho doanh nghiệp logistics Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách quản lý giá bốc xếp phù hợp, tránh sự chênh lệch giá, cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị. Trung ương và thành phố tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hãng tàu, cảng và khách hàng khi làm thủ tục.
Còn theo ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng, sau thời gian khai thác bến cảng số 1, số 2 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng cho thấy, chi phí vận tải biển, chi phí logistics tiết giảm rất nhiều do các tàu có thể khai thác đến thẳng các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Australia cũng như các tuyến trong khu vực châu Á thay vì phải chuyển tải qua các cảng trung chuyển.
Do vậy, các doanh nghiệp rất mong Chính phủ tạo mọi điều kiện để các bến cảng đã được phê duyệt trong khu vực Cảng cửa ngõ quốc tế hoạt động sớm nhất, đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của doanh nghiệp.
Ông Trần Tiến Dũng còn kiến nghị, để đảm bảo cho việc lưu thông, tránh ùn tác các phương tiện vận tải kết nối Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu công nghiệp, Nhà nước, Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện để huy động nguồn lực sớm xây dựng cầu Tân Vũ- Lạch huyện 2, đồng thời có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển vận tải thủy nội địa, tận dụng tối đa điều kiện sông ngòi tự nhiên và giảm áp lực cho vận tải bằng đường bộ.
Việc xây dựng bến cảng đủ lớn để tiếp nhận các tuyến vận tải tàu biển cỡ siêu lớn là vô cùng quan trọng và cấp bách trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 29/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 trở thành "trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao", Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng đã và đang tham mưu thành phố Hải Phòng triển khai một số giải pháp như: nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi cao, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi có khả năng cạnh tranh cao, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics Hải Phòng.
Đồng thời, đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 2, vành đai 3 nhằm tăng cường năng lực kết nối hạ tầng giao thông cảng biển, đường bộ với các khu công nghiệp, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa.
Hải Phòng cũng đã hoàn thành lập quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật để làm cơ sở xúc tiến, thu hút đầu tư.
Song song đó, tích cực xây dựng chính quyền số phục vụ người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics như hệ thống giao dịch không giấy tờ, thanh toán điện tử, giao dịch trực tiếp, phát triển hệ thống cổng thông tin E- logistics./.