Đại dịch Covid đã thúc đẩy rõ nét sự thay đổi hành vi mua sắm tiêu dùng truyền thống sang thương mại điện tử. Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng phòng thương mại điện tử, Sàn thương mại điện tử Voso cho biết, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được ghi nhận có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Dự báo tốc độ tăng trưởng còn tiếp tục và sẽ vượt xa mốc 11,8 tỷ USD năm 2020. Đặc biệt sau đại dịch Covid, thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới.
MỆT MỎI VỚI "NGĂN SÔNG CẤM CHỢ"
Nêu lên thực trạng tắc nghẽn trong chuỗi logistics tại Việt Nam mà thể hiện rõ nhất ở đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư kéo dài 5 tháng qua, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho hay: trong đợt dịch vừa qua, sự "ngăn sông cấm chợ" đã kiến cho 1kg rau tại Bình phước có giá 8 nghìn đồng, trong khi vẫn 1 kg rau đó tại TP.HCM người dân có thể phải mua tới 70-80 nghìn đồng.
"Đó là sự lãng phí vô cùng lớn. Vấn đề ở đây là do cách điều hành, người dân thiệt hại, doanh nghiệp cũng thiệt hại, người tiêu dùng cũng thiệt hại. Điều này dẫn đến khủng hoảng về tinh thần, người dân khủng hoảng, doanh nghiệp mệt mỏi", bà Thực nói tại tọa đàm.
Với thị trường quốc tế, vấn đề cảng biển và chi phí logistics tác động rất lớn đến giá nông sản xuất khẩu. Đồng thời, việc thiếu hụt container lạnh cũng là một nguyên nhân tác động đến giá nông sản, nhất là trong thời kỳ cao điểm phục vụ cho hàng Tết vào khoảng 2 đến 3 tháng nữa.
Có thể nói, logistics trong giai đoạn vừa qua bị tác động bởi nhiều yếu tố tiêu cực cả ở nội địa và quốc tế, bà Thực cho hay.
Còn theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, không chỉ chuỗi cung ứng hoạt động kém hiệu quả mà chính các doanh nghiệp logistics cũng chịu ảnh hưởng lớn.
Trên thực tế, trong suốt thời gian hai năm đại dịch vừa qua, ngoài các lực lượng tuyến đầu chống dịch thì lực lượng logistics cũng hoạt động rất sôi động và đóng góp không nhỏ trong đại dịch.
Các hoạt động góp phần vào công tác phòng chống dịch như: cung ứng vaccine, thực phẩm và nhu yếu phẩm tại những địa phương vùng dịch đều cần có lực lượng lao động của ngành logistics.
“Sản lượng vận tải của ngành logistics trong 6 tháng đầu năm 2021 so với năm 2020 không kém là bao. Nhưng đến tháng 7, tháng 8 lại bị giảm sút nghiêm trọng do các hạn chế trong quá trình vận chuyển, đồng thời bị thiếu hụt một phần lực lượng lao động. Mặc dù vậy, ngành logistics vẫn không ngừng nỗ lực hàn gắn lại chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy do dịch bệnh”, ông Hiệp nhìn nhận.
Mặc dù giai đoạn dịch COVID-19 gây khó khăn chung cho hầu hết các doanh nghiệp, nhưng theo bà Megan Benger (Giám đốc Chuỗi cung ứng tại TMX Global), đại dịch lần này đã làm thức tỉnh nhiều doanh nghiệp, giúp họ nhận ra những điểm yếu kém hoặc còn hạn chế của hệ thống logistics đang tồn tại.
Nhiều công ty phải điều chỉnh hoạt động logistics của họ và cũng đặt ra những câu hỏi về sự bền vững của hệ thống logistics và chuỗi cung ứng.
Bà Megan Benger nhấn mạnh: “Trong thời đại thay đổi liên tục, ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chuỗi cung ứng, trong lĩnh vực môi trường cũng như trong lĩnh vực xây dựng phát triển kinh tế dài lâu”.
Đứng ở góc độ thương mại quốc tế, ông Bùi Huy Sơn (Tham tán Công sứ - Thương mại Việt Nam tại Mỹ) nhận định: “Trong bối cảnh kinh tế phát triển trở lại, chi phí logistics có xu hướng sẽ tăng cao. Với quy mô nền kinh tế nhập khẩu lớn, khi các nền kinh tế khác phục hồi thì hàng hóa bị dồn ứ tại đây, tình hình này nghiêm trọng hơn khi Mỹ thiếu các lao động về logistics”.
“Theo số liệu thống kê hải quan mới mới nhất, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta với Mỹ ngày càng tăng. Để có thể đứng vững ở thị trường lớn và nhiều phức tạp như Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hết mình”, ông Sơn nói thêm.
Ông Sơn cũng đưa ra một vài gợi ý và định hướng cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu đến Hoa Kỳ, trong đó quan trọng nhất là công tác liên kết chuỗi giữa các bộ phận trong cả quá trình phân phối. Theo đó logistics cần kết nối người tiêu dùng đến người sản xuất. Do vậy, doanh nghiệp logistics cần định hướng người sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn đó.
Để đáp ứng những yêu cầu đặt ra, bà Cao Cẩm Linh (Trưởng làng Công nghệ Logistics, Trưởng ban Nghiên cứu - Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam, Giám đốc Chiến lược Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel) cho rằng các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần hội đủ 6 yếu tố để phát triển chuỗi cung ứng bền vững ra thị trường quốc tế.
Đầu tiên là nguồn lực tài chính.
Thứ hai là nguồn nhân lực ngành logistics chất lượng cao, mà hiện nay còn yếu và thiếu. Theo đó cần sự vào cuộc của các hiệp hội, trường, viện,... trong việc nâng cao kiến thức cho đội ngũ này.
Thứ ba là năng lực quản trị toàn diện. Theo bà Linh, người lãnh đạo doanh nghiệp cần biết cách đối phó với các thay đổi của xã hội, tránh khỏi những rủi ro lớn, đặc biệt như trong đại dịch COVID-19.
Thứ tư là năng lực công nghệ, nếu không ứng dụng chuyển đổi số một cách kịp thời thì các doanh nghiệp logistics sẽ mất đi cơ hội để bứt phá tăng trưởng với quốc tế.
Thứ năm là năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải nâng cao ý thức để không bị mất thị trường trên chính sân nhà.
Và cuối cùng là năng lực về tuân thủ. Doanh nghiệp muốn hội nhập thì cần có quy tắc, quy chuẩn, quy trình bài bản theo quy chuẩn quốc tế, bà Linh khuyến nghị.
Chuyên gia này cũng lưu ý, tại Việt Nam, bên cạnh logistics nông nghiệp thì logistics nông thôn cũng cần được quan tâm phát triển. Nếu logistics nông nghiệp chỉ đề cập tới một chiều tiêu thụ nông sản thì logistics nông thôn là quá trình hai chiều, vừa giúp bà con tiêu thụ nông sản, vừa cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất và đời sống ở nông thôn, qua đó tạo nên một hệ sinh thái khép kín và góp phần duy trì bền vững cho chuỗi cung ứng nông sản.
Nguồn: https://techfest.vn/