Chính thức thành lập Hiệp hội Logistics Tp. Hồ Chí Minh

Sáng 30/9, Hiệp hội Logistics Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021- 2026 với chủ đề 'Đồng hành cùng Tp. Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm logistics của khu vực'.

Cảng Cát Lái, cảng biển lớn nhất Việt Nam hiện nay, sẽ thuộc khu vực thành phố Thủ Đức. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Bà Đặng Thị Minh Phương, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội được bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Logistics Tp. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ đầu tiên.

Phát biểu chỉ đạo, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố xác định logistics là mạch máu của nền kinh tế.

Việc thành lập Hiệp hội Logistics Tp. Hồ Chí Minh là rất cấp thiết, giúp cộng đồng doanh nghiệp logistics thành phố có nơi phát ngôn chính thức và đồng hành cùng thành phố trong các dự án phát triển logistics sắp tới.

Thành phố đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% năm 2030; tỉ trọng đóng góp của logistics vào GRDP của thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%.

Theo Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng, để đạt mục tiêu trên, Thành phố tập trung 3 nhóm giải pháp then chốt: hình thành các trung tâm logistics (mục tiêu là 7 trung tâm logistics với tổng diện 623 ha).

Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, sớm thiết lập hệ sinh thái logistics, sử dụng dữ liệu dùng chung cho tất cả doanh nghiệp; thành phố xác định trở thành trung tâm đào tạo, cung cấp nhân lực logistics cho phía Nam và cả nước. Các giải pháp trên đều cần sự đồng hành, hợp tác chặt chẽ của cộng đồng logistics.

Trên cơ sở đó, bà Phan Thị Thắng “đặt hàng” các doanh nghiệp cũng như Hiệp hội Logistics Tp. Hồ Chí Minh với 2 nội dung trong nhiệm kỳ tới.

Thứ nhất, bên cạnh phát triển logistics phục vụ xuất nhập khẩu, cần quan tâm đầu tư thỏa đáng cho logistics phục vụ luân chuyển hàng hóa nội địa, tổ chức vận chuyển hàng hóa thông suốt an toàn giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, tổ chức phân phối hàng hóa để phục vụ hơn 10 triệu dân của thành phố.

Thứ hai, thương mại điện tử là xu hướng tất yếu của thương mại trong nước và xuất nhập khẩu, việc phát triển hạ tầng dịch vụ logistics phục vụ thương mại điện tử là nhiệm vụ cấp bách giai đoạn này.

Hiệp hội Logistics Tp. Hồ Chí Minh được thành lập trên cơ sở Quyết định ngày 8/7/2021 của UBND Tp. Hồ Chí Minh. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Hiệp hội sẽ tập trung giúp các hội viên trong ngành mở rộng hợp tác, thắt chặt mối liên kết cung cấp dịch vụ trong mạng lưới chuỗi cung ứng, tạo cầu nối giữa cộng đồng logistics với các cơ quan quản lý nhà nước.

Thông qua Hiệp hội, các kiến nghị, đề xuất trong cộng đồng logistics cũng tạo ra môi trường minh bạch hơn, thúc đẩy thu hút đầu tư, nâng cao năng lực để có thể đủ sức cạnh tranh với các đối thủ lớn, góp phần thực hiện các mục tiêu chung của thành phố đã và đang đặt ra trong lĩnh vực logistics.

Theo bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Tp. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026, Tp. Hồ Chí Minh là đầu tàu, trung tâm kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 22% GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách của cả nước. Đây là đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa của cả vùng với thế giới.

Trong khi đó, hiện các doanh nghiệp logistics hoạt động và phát triển chủ yếu là tự phát, rất ít có sự liên kết để tận dụng thế mạnh, cung ứng dịch vụ logistics cho cả chuỗi cung ứng khép kín. Để logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn thì cần có các chính sách phát triển hữu hiệu. Hiệp hội ra đời chính là hướng đến mục tiêu cầu nối và liên kết nêu trên.

Với vị trí là cửa ngõ phát triển xuất khẩu của cả vùng, ngành logistics tại Tp. Hồ Chí Minh luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tháng 3/2021, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã phê duyệt thông qua “Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP./.

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2