Chi phí logistics tại Việt Nam là con số được tranh cãi lâu nay. Ảnh minh họa: Minh Tâm |
Chia sẻ với TBKTSG Online bên lề hội nghị thường niên và kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) diễn ra chiều nay, 17-11 tại TPHCM, ông Nguyễn Tương, cố vấn cao cấp của VLA cho biết, chi phí logistics là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong Sách trắng VLA 2018, ấn phẩm mà VLA ra mắt cùng ngày như một tiếng nói chính thức về các thông tin liên quan đến ngành.
Theo ông Tương, lâu nay, nhiều cơ quan, tổ chức dẫn thông tin rằng chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% GDP. Con số này được rút ra từ báo cáo cuối kỳ năm 2014 “Dịch vụ tư vấn: Hỗ trợ Bộ Giao thông Vận tải về phát triển vận tải đa phương thức” do Công ty Tư vấn ALG của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện.
Tuy nhiên, theo kết quả phỏng vấn sâu tháng 8-2018 của VLA/VLI, các ngành sản xuất các mặt hàng có giá trị cao như ô tô, linh kiện điện tử, sắt thép có chi phi logistics trong tổng giá thành sản phẩm tương đối nhỏ, dưới 5%. Trong khi đó, ở ngành hàng tiêu dùng, thương mại điện tử, siêu thị, may mặc hoặc nông sản, tỷ lệ này là từ 10-20%. Và trong chi phí logistics thì doanh nghiệp cho biết chi phí vận tải chiếm tỷ lệ cao nhất với 60-80%, kế đến là xếp dỡ và thủ tục thông quan.
Do vậy, theo cách tính của VLA, cũng dựa trên cách tính của Công ty tư vấn ALG thì chi phí logistics Việt Nam năm 2017 ở mức 14,5-19,2% GDP. Và con số trung bình hiện nay khoảng 16-17%.
“Chi phí logistics tại Việt Nam không quá cao so với một số nước trong khu vực như Singapore 8,5%; Thái Lan 15%”, ông Tương nói.
Cùng với chỉ số logistics, Sách trắng VLA 2018 cũng nêu ra các con số khác. Trong đó, tốc độ phát triển của ngành được ghi nhận tăng 12-14% trong năm qua, thấp hơn 2 điểm phần trăm so với con số được nhắc đến lâu nay. Tương tự, tỷ lệ thuê ngoài (thuê công ty bên ngoài làm công tác logistics) đạt khoảng 60-70%, cao hơn rất nhiều so với một số báo cáo thời gian qua (mức 35-40%). VLA cũng ghi nhận đóng góp của logistics vào GDP năm 2017 đạt 4-5%. Cuối cùng là chỉ số hoạt động. Năm 2018, Việt Nam được ghi nhận xếp thứ 39/160 quốc gia và xếp thứ 3 ở Đông Nam Á về năng lực hoạt động logistics.
“Ấn bản là tiếng nói chính thức của VLA về ngành này, chúng tôi cũng đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để phát triển ngành”, ông Tương nói thêm.
Sách trắng VLA 2018 được thực hiện dựa trên số liệu tại 156 doanh nghiệp tham gia khảo sát, của WB cùng như thống kê chính thức từ cơ quan chức năng. Ấn bản được phát hành nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập VLA và dự kiến sẽ xuất bản 2 năm một lần.
Nguồn: thesaigontimes