Tại Tọa đàm “Tháo bỏ nút thắt tăng trưởng” do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA đưa ra một con số khiến cả hội trường “giật mình”. Đó là chi phí không chính thức mà các chủ hàng xuất khẩu của Việt Nam phải gánh chịu có thể lên tới 250 triệu USD vào năm 2020. Con số này được tính toán dựa trên chi để làm thủ tục hải quan nhanh chóng và chi bồi dưỡng chặng vận tải nội địa.
Một chi phí khác mà theo đánh giá của Chủ tịch VLA là rất lãng phí, đó là chi phí kiểm tra liên ngành. Mỗi năm, doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng cho kiểm tra hàng hóa (dẫn báo cáo CIEM). Trong đó, tỷ lệ hàng hóa làm thủ tục kiểm tra 2-3 lần chiếm đến 58%.
Bên cạnh đó, chi phí vận tải cao cũng là một yếu tố tác động đến chi phí logistics trong nước. Chi phí này đang chiếm 30-40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Hiệp nhận định, trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang đứng trước cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam phải cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ nước ngoài, thì các chi phí không chính thức lại đang o bế khả năng cạnh tranh của họ, gián tiếp ảnh hưởng đến cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Giải bài toán chi phí để nâng cao khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực này lại không hề đơn giản khi đang có quá nhiều yếu tố chi phối vấn đề này. Chỉ đơn cử trong lĩnh vực vận tải nội địa, đã có thể chỉ ra hàng loạt yếu tố phát sinh chi phí như chi phí nhiên liệu, lệ phí cầu đường, thiếu sự kết hợp vận chuyển hàng hóa hai chiều, chi phí phát sinh do tắc nghẽn tại cảng, tắc nghẽn giao thông đường bộ…
Trước thực trạng trên, VLA đưa ra đề xuất, cơ quan quản lý cần tập trung giảm những thành phần chi phí có thể tác động được, thuộc quyền ban hành chính sách như giá nhiên liệu, phí cầu đường… Ngoài ra, vấn đề kiểm tra chuyên ngành bắt buộc phải cải thiện triệt để giảm đầu mối và thủ tục kiểm tra. “Cần minh bạch trong thủ tục hải quan và vận tải đường bộ bên cạnh việc cải cách thủ tục hải quan để chi phí không chính thức không còn là gánh nặng cho chi phí logistics”, ông Hiệp kiến nghị.
Đối với các doanh nghiệp logistics trong nước, các chuyên gia cho rằng, cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ về kết nối thông tin nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các công ty như chia sẻ hàng hóa, qua đó cân đối luồng hàng vận chuyển hai chiều để nỗ lực tiết kiệm chi phí logistics cho khách hàng, tận dụng và khai thác vận tải thủy nội địa nhằm giảm ách tắc tại các khu vực trọng điểm.
Phát biểu tại tọa đàm nêu trên, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, trong các giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thì việc tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí công đoàn, chi phí bảo hiểm xã hội, chi phí trợ cấp thất nghiệp… thì chi phí hậu cần logistics cũng cần phải được cắt giảm hiệu quả. “Logistics Việt Nam cần phải nhanh chóng được cải thiện để đóng góp hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa của Việt Nam”, ông Cung nhận xét.