Cắt giảm chi phí logistics không phải là chuyện riêng của doanh nghiệp

Chi phí logistics nội địa chiếm tỷ lệ quá cao trong giá thành sản phẩm, cùng với tình trạng thiếu container rỗng đẩy giá cước vận chuyển đường biển quốc tế lên cao đã ảnh hưởng đáng kể tới tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Để giảm chi phí logistics cần có giải pháp tổng thể; trong đó tập trung vào việc tiếp tục đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng logistics.

Giá thuê cao nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó đặt được container

Một trong những mặt hàng có giá tăng cao trong thời gian qua là phân bón, điển hình như: Phân DAP, Ure và Kali. Đáng nói, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng, nhưng đầu ra cho nông sản gặp khó khăn, khiến người nông dân rơi vào cảnh sản xuất cầm cự; khó khăn chồng chất khó khăn. Theo ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương): Dự báo từ nay đến hết năm, giá phân bón sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hiện giá cước vận chuyển container đã tăng 5 lần so với năm trước. Trong khi đó, phân bón của Việt Nam như DAP, MAP và Ure hầu hết được vận chuyển bằng container.

Phản ánh của các doanh nghiệp (DN) trên nhiều lĩnh vực như dệt may, đồ gỗ, chế biến nông thủy sản... cho thấy chi phí logistic có sự gia tăng mạnh từ năm 2020 tới nay về cước vận tải và tình trạng thiếu container. Ở một số cảng, giá đã tăng gấp đôi so với giá mấy tháng trước và gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020. Ví dụ, giá vận tải container từ Việt Nam đi cảng Southampton (Anh) đầu năm 2020 là 1.600USD/ container, đến tháng 5-2021 đã lên tới 9.100USD/ container. Tương tự, giá vận tải container từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Hoa Kỳ) đầu năm 2020 là 1.800USD/ container, song đến tháng 5-2021 là 8.000USD/container...

Ghi nhận của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy tình trạng mặc dù giá thuê cao nhưng DN vẫn rất khó đặt được container. Trên thị trường container rỗng hiện nay, DN nào trả cước cao hơn thì hãng tàu sẽ cấp container. Thậm chí, ngay cả khi DN đã đăng ký được container đóng hàng đưa ra cảng để lên tàu xuất khẩu rồi, nhưng vì thiếu hụt lượng container dẫn đến các hãng tàu liên tục hoãn chuyến, có nhiều tàu phải hoãn 4-5 lần (tương đương khoảng 10-15 ngày/chuyến) gây chậm trễ đơn hàng xuất khẩu; đồng thời cũng khiến nhiều DN phải trả thêm chi phí lưu kho, lưu bãi do những lô hàng bị ách tắc tại các cảng biển. Rất nhiều đơn hàng của DN đã bị hủy, chậm giao hàng, chậm thanh toán và không ký tiếp được đơn hàng mới dẫn đến chồng chất khó khăn.

Không chỉ chi phí logistics quốc tế tăng cao, thông tin từ VCCI cho thấy, chi phí logistics nội địa chiếm tỷ lệ quá cao trong giá thành sản phẩm (30% giá thành nông sản, 12% giá thành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ...) ảnh hưởng đáng kể tới tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Đề nghị thành lập tổ công tác đặc biệt về hạ tầng logistics

Thực tế cho thấy, yếu tố cơ bản làm tăng chi phí logistics tại Việt Nam là hạ tầng logistics chưa được đầu tư đồng bộ. Cụ thể, vẫn còn thiếu vắng các kho vận tập trung, cảng cạn (ICD) có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng sông, cảng biển, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất. Ngoài ra, với khoảng 80% lưu lượng hàng hóa của DN được vận chuyển bằng đường bộ, tuy nhiên, tổng chiều dài đường cao tốc đang vận hành lại chưa đến 2.000km/ tổng số hơn 630.000km đường bộ của Việt Nam. Trong khi đó, các phương thức vận tải có giá thành rẻ như đường sắt trong nước khá lạc hậu, hệ thống đường thủy nội địa chưa được chú trọng khai thác hiệu quả.

Xung quanh các giải pháp để "hạ nhiệt" giá cước tàu biển, về giải pháp trước mắt, có ý kiến đề xuất cơ quan nhà nước cần giải quyết nhanh các container tồn đọng tại cảng để có vỏ container rỗng; có chính sách thúc đẩy việc xây dựng nhà máy sản xuất vỏ container để tránh quá phụ thuộc vào thị trường container nước ngoài. Liên quan tới việc sản xuất vỏ container, với thế mạnh là đơn vị sản xuất thép-nguyên liệu chính của container, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cho biết sẽ "lấn sân" sang lĩnh vực sản xuất container. Nhà máy sản xuất container đầu tiên được Hòa Phát xây dựng tại Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến năm 2022 sẽ cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Về các giải pháp lâu dài kéo giảm chi phí logistics, các ý kiến cho rằng, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Các giải pháp về logistics, đặc biệt là hạ tầng logistics đòi hỏi vốn đầu tư lớn từ Nhà nước và sự tham gia đồng thời của nhiều bộ, ngành, các địa phương liên quan. Chính vì vậy, cắt giảm chi phí logistics không còn là vấn đề của riêng DN tham gia kinh doanh dịch vụ này mà là nhiệm vụ chung của nền kinh tế, đòi hỏi sự tiếp sức rất lớn từ cơ chế chính sách và sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương. Do vậy, VCCI đề nghị thành lập tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về hạ tầng logistics. Tổ công tác sẽ rà soát thực tế, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ quyết định, hoặc sẽ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định về các biện pháp cụ thể giải quyết các vấn đề về hạ tầng logistics. Tổ công tác cũng là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp cụ thể đã được cấp có thẩm quyền quyết định, thúc đẩy giải quyết nhanh những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2