Việc tàu du lịch liên tục hủy lịch trình cập cảng Việt Nam do dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động của nhiều cảng biển ngưng trệ, doanh thu hụt hàng chục tỷ đồng.
Cảng mất tiền tỷ, người lao động mất việc
Ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, dịch Covid-19 kéo dài khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này gần như tê liệt. Từ thời điểm bùng phát dịch đến nay, gần như 100% chuyến tàu khách quốc tế với khoảng 44 chuyến đã hủy lịch trình đến cảng.
“Các chuyến tàu biển quốc tế đã được đại lý hàng hải xác nhận hủy cho đến hết tháng 9/2020. Bến nội địa hiện đóng cửa theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tạm dừng đón khách tham quan Vịnh Hạ Long. Nhiều hãng tàu cũng thông báo đóng cửa và dừng đón khách cho đến hết tháng 6/2020. Số lượng các chuyến tàu nội địa dự kiến giảm hơn 17.000 chuyến”, ông Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, việc không đón được tàu khách không chỉ khiến doanh thu trực tiếp của cảng bị giảm mà các hoạt động có liên quan đến chính sách hợp tác, phát triển kinh doanh đều bị trì hoãn do các đối tác, các nhà cung cấp cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Các quầy dịch vụ, cửa hàng, siêu thị ở khu vực nhà ga đều đóng cửa. “Toàn bộ nhân sự tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã tạm nghỉ cho tới khi hoạt động kinh doanh, khai thác được khôi phục trở lại”, ông Hiệp buồn bã nói.
Cùng thảm cảnh, Cảng Chân Mây (Huế) cũng đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay. Người lao động phải nghỉ việc, các hoạt động cung ứng dịch vụ tàu khách về hướng dẫn, xe du lịch, nhà hàng, tham quan… cũng tạm ngưng.
Theo ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây, hơn 2 tháng qua, các hãng du lịch tàu biển đã hủy 24/56 chuyến tàu dự kiến cập cảng trong khoảng thời gian từ tháng 2- 5/2020. Dự kiến các hãng sẽ tiếp tục hủy đến cuối năm 2020 với tổng số lượt tàu bị hủy là 45 chuyến. “Với số chuyến tàu bị hủy này, lượng khách qua cảng Chân Mây dự báo sẽ giảm đến 80% trong năm 2020, doanh thu giảm khoảng 23 tỷ đồng”, ông Toàn nói.
Theo đánh giá sơ bộ quý I/2020 của Cục Hàng hải VN, số lượng tàu biển chở hành khách từ các quốc gia trên thế giới đến Việt Nam ước giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Tình trạng cảng “đói” tàu khách được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong bối cảnh dịch bệnh đã lan ra hơn 150 quốc gia.
Tuyên truyền điểm đến an toàn
Ông Phạm Văn Hiệp cho rằng, để hoạt động khai thác tàu du lịch sôi động trở lại tại khu vực cảng biển, ngay khi kết thúc dịch, các cơ quan chức năng cần thiết tổ chức những hoạt động xúc tiến hỗ trợ kích cầu, chú trọng tuyên truyền về điểm đến an toàn... “Cảng tàu khách Hạ Long đã sớm lên phương án, ngay khi dịch có dấu hiệu “giảm nhiệt”, đơn vị sẽ đẩy mạnh truyền thông về điểm đến để thu hút khách đến với Hạ Long cũng như cảng tàu khách, cam kết các chính sách giá hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình Famtrip tàu biển để khuấy động lại thị trường và tìm kiếm các hãng tiềm năng”, ông Hiệp thông tin.
Ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho rằng, vừa qua, một số tàu du lịch có tới 1/3 tổng lượng hành khách bị nhiễm virus corona. Thực tế đó đã tác động lớn vào tâm lý công dân toàn cầu. Việc chi tiền đi du lịch bằng đường biển sẽ trở nên e dè hơn. Vì vậy, giải pháp tuyên truyền về các điểm đến an toàn, phương tiện an toàn cần phải được thực hiện đầu tiên khi dịch chấm dứt để khách hàng không “quay lưng” lại với du lịch biển.
Ông Huỳnh Văn Toàn bày tỏ mong muốn, thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu chính sách ưu đãi về lãi vay ngắn hạn và hỗ trợ các khoản vay đầu tư dài hạn đối với các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 nói chung và các doanh nghiệp cảng nói riêng. “Cảng cũng đang lập các phương án để xúc tiến quảng bá riêng cho du lịch tàu biển, thu hút tất cả các tàu lớn nhỏ cập cảng, góp phần bù đắp lại thiệt hại. Đồng thời hỗ trợ, miễn, giảm phí hành khách để “chia lửa” với các hãng tàu du lịch”, ông Toàn thông tin.
Nguồn: Báo Giao thông