Quảng Ninh: Quản lý cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn huyện Hoành Bồ

Thời gian qua, huyện Hoành Bồ đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý cảng, bến thủy nội địa, qua đó đảm bảo an ninh trật tự, môi trường trên địa bàn.

Trên địa bàn huyện hiện có tổng số 16 cảng, bến thủy. Trong đó có 7 cảng chuyên dùng các nhà máy và 9 cảng, bến thủy tổng hợp chuyên chở vật liệu xây dựng, khoáng sản. Các cảng, bến thủy nội địa những năm qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, lưu thông hàng hóa, vật liệu xây dựng, giảm tải hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, hạn chế ảnh hưởng kết cấu đường, ô nhiễm môi trường, tạo việc làm cho lao động địa phương.

 

Đối với các cảng tổng hợp, có một số cảng quy mô đã được đưa vào hoạt động như Cảng tổng hợp (trừ than) tại xã Thống Nhất của Công ty TNHH MTV Kinh doanh cảng Hạ Long. Với diện tích 55.049m2, cảng có thể tiếp nhận sà lan tự hành đến 500DWT, quy mô hàng hóa qua cảng đến 400.000 tấn/năm, qua đó góp phần giảm tải lớn cho việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng bằng đường bộ.

 

Rót hàng ở Cảng tổng hợp của Công ty TNHH MTV kinh doanh cảng Hạ Long.

 

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường, cảng cũng đã thực hiện nghiêm các biện pháp kỹ thuật, thu gom và xử lý tất cả các loại chất thải phát sinh trong quá trình thi công đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Cảng cũng được thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng nước tại khu vực thực hiện dự án như có hệ thống rãnh thu gom nước rửa trôi bề mặt khu vực thi công, tập kết nguyên vật liệu về hố lắng…

 

Các cảng chuyên dụng của các nhà máy đã hoàn thiện các hạng mục đường giao thông bộ đi song song với tuyến băng tải, đã thực hiện xong việc trồng cây xanh, cảnh quan môi trường. Các hạng mục được xây dựng theo đúng thiết kế…

 

Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hoành Bồ Hoàng Việt Dũng cho biết: Trước đây, tình hình hoạt động tại các cảng, bến và công tác quản lý nhà nước đối với các cảng, bến trên địa bàn huyện còn nhiều bất cập do chưa có quy hoạch tổng thể. Một số tổ chức, cá nhân tự ý san gạt, lấn chiếm đất để hình thành các bến, bãi. Vài năm trước đây, có 3 cảng, bến tự phát đã tác động không nhỏ tới môi trường, hoạt động sản xuất tiêu thụ hàng hóa và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các bến, cảng chính thống. Vì thế, huyện đã tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn đối với hoạt động của các cảng, bến thủy nội địa. Các cơ quan chức năng trên địa bàn tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn. Qua đó đã xử lý 3 bến thủy nội địa tự phát. Từ năm 2016 đã dừng dứt điểm hoạt động bến Cầu Trới. Bến Đò Bang đã xử lý nhiều lần song vẫn tái phát, huyện đã quyết định lập trạm chắn, cắt đường, phá bến, từ năm 2018 đến nay đã không còn tình trạng tái phát vận chuyển hàng. Bến Bài Thơ sau nhiều năm gây bức xúc trong nhân dân, thì vừa qua với nhiều biện pháp quyết liệt của huyện đã phải ngừng hoạt động từ tháng 6/2019.

 

Bên cạnh đó, huyện cũng đang lập quy hoạch phân khu để các chủ đầu tư tiến hành xây dựng kết cấu hạ tầng cảng. Tuy nhiên, theo ông Dũng, hiện nay số bến, cảng được cấp trên địa bàn hơi nhiều, cung vượt quá cầu. Vì thế, huyện cũng đang rà soát công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý cảng, bến, nếu bến nào chưa triển khai xây sẽ đề nghị dừng, tránh việc đầu tư dàn trải, lãng phí. Đồng thời, rà soát, đảm bảo hoạt động và an ninh trật tự tại các cảng, bến. Đối với bến Diễn Vọng hiện dòng chảy bị tắc nghẽn, huyện cũng đã đề xuất tỉnh nạo vét, khơi thông. Tỉnh cũng đã có chủ trương nạo vét trong thời gian sớm nhất.

 

Song song với đó, Trạm kiểm soát và các tổ công tác liên ngành của địa phương cũng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động khai thác, vận chuyển tài nguyên trái phép./.

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2