Phục hồi chuỗi cung ứng cần sự liên kết thống nhất

Ngoài các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp cần xây dựng lại nội lực bằng ứng dụng công nghệ, cắt giảm chi phí và thay đổi chiến lược để phục hồi chuỗi cung ứng.

Dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam từ đầu năm 2021 đã khiến nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách trong suốt một thời gian dài để phòng, chống dịch. Hàng loạt doanh nghiệp (DN) rơi vào cảnh khó khăn khi phải thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong khi lưu thông hàng hóa bị ngưng trệ. Thực tế này đang gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, DN khó đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” dẫn đến suy yếu nền kinh tế.

Hàng loạt hệ lụy

Gián đoạn trong chuỗi cung cấp dịch vụ cùng giá cước vận tải biển tăng phi mã thời gian qua là lo lắng của ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC). Hiện nay, giá cước vận tải đi Mỹ đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ, tương đương 60% giá trị hàng hóa xuất khẩu. Đó là chưa kể các chi phí logistics gia tăng khác cũng đang leo thang trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Chi phí vận tải tăng cao cũng như lưu thông hàng hóa hết sức khó khăn dẫn đến hậu quả đứt gãy chuỗi cung ứng. (Ảnh: Đinh Tịnh)

Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất, bố trí nhân lực làm việc phù hợp trong khi vẫn phải đảm bảo an toàn, các quy định về phòng chống dịch khiến các DN khó xoay sở và tốn thêm nhiều chi phí. Nhiều địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống lây nhiễm quyết liệt theo cách riêng, thiếu nhất quán và liên tục thay đổi đã làm cho việc lưu thông hàng hóa hết sức khó khăn dẫn đến hậu quả đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Sự mất cân đối trong cơ cấu giữa nguồn lực với yêu cầu sản xuất đã nảy sinh tình trạng thiếu hụt lao động, lái xe, thiếu công nhân tác nghiệp hiện trường… là những khó khăn mà các DN logistics và hàng hải đang phải đối mặt”, ông Trung nêu thực tế.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chuỗi cung ứng hiện nay có vai trò rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của DN. Khi các DN không thể trụ nổi, an sinh xã hội và mục tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy sẽ hệ lụy đến nền kinh tế và xã hội. Sẽ có nhiều DN phải đóng cửa do không có nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất. Chi phí để duy trì sản xuất và kho vận bị đội lên quá cao, gián tiếp gây lạm phát trong những tháng cuối năm. DN không đáp ứng được đơn hàng đúng thời gian dẫn đến mất đơn hàng và các đối tác tiềm năng vào tay các quốc gia cạnh tranh”, ông Hải chỉ rõ.

Chung tay nối lại chuỗi cung ứng

Để vượt qua khủng hoảng, vượt khó qua dịch bệnh Covid-19 tránh đổ vỡ chuỗi cung ứng hiện nay, các chuyên gia cho rằng, ngoài các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, các DN buộc phải đối mặt và xây dựng lại nội lực bằng ứng dụng công nghệ, cắt giảm chi phí và thay đổi chiến lược để phục hồi.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, để việc lưu thông hàng hóa trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn, DN cần chủ động xây dựng kế hoạch vận tải, phương án huy động phương tiện vận chuyển, lái xe, nguyên vật liệu, vật tư phụ tùng của đơn vị mình. Nắm bắt thông tin về luồng tuyến, hành trình, các chốt kiểm soát dịch, các quy định về kiểm soát dịch đối với phương tiện và người trên phương tiện tại các chốt kiểm soát dịch.

“Các tỉnh, thành phố cần căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để chỉ đạo Sở GTVT và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung theo hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT. Chỉ đạo cơ quan y tế tại địa phương hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với các địa điểm lưu trú tạm thời; ưu tiên tiêm phòng, xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với đội ngũ lái xe vận tải hàng hóa đồng thời chủ động bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp", ông Ngọc nêu rõ.

DN cần chủ động xây dựng kế hoạch vận tải, phương án huy động phương tiện vận chuyển, lái xe trong quá trình lưu thông.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Quang Trung cũng đề nghị các địa phương cần thống nhất về quy định tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa. Bộ Y tế cũng cần xem xét miễn giảm xét nghiệm Covid-19 cho lái xe, thay vào đó là áp dụng nguyên tắc vận tải an toàn phòng dịch lái xe ngồi yên trong cabin không tiếp xúc khi giao nhận hàng hóa hai đầu, khi ra vào cảng, xóa bỏ yêu cầu xe vận tải phải có giấy đi đường trong khi đã có QR code.

“Bộ GTVT chủ trì giải quyết khó khăn trong việc các hãng tàu nước ngoài tăng giá cước vận chuyển cao liên tục. Yêu cầu khai báo cước phí vận chuyển đường biển của các hãng tàu container nước ngoài, hạn chế việc tăng cước vận chuyển phi mã và thiếu kiểm soát như hiện nay cũng như không được tăng và có biện pháp giảm hoặc loại bỏ một số phụ phí trong 12 loại phụ phí đường biển”, ông Trung kiến nghị.

Theo ông Trần Thanh Hải, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ GTVT hợp nhất các văn bản hướng dẫn trước đây để các địa phương và các DN dễ thực hiện. Các địa phương cần thực hiện thống nhất theo hướng dẫn của Bộ GTVT để bảo đảm lưu thông hàng hóa được thuận lợi, an toàn. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng ban hành công văn trao đổi với Sở Công Thương các địa phương nhằm hỗ trợ kịp thời cho DN, tạo thuận lợi trong hoạt động lưu thông hàng hóa.

Ngoài ra ông Hải cũng lưu ý, chuỗi cung ứng hàng hóa cần phải được tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng để giảm thiểu ít nhất những “chấn thương” bất ngờ. Muốn làm được điều này, cần nâng cao tính minh bạch qua tất cả các cấp của chuỗi cung ứng. Chỉ có minh bạch thông tin mới có thể đánh giá một cách toàn diện hoạt động của các bên tham gia chuỗi cung ứng và những rủi ro tiềm ẩn của từng bên, từ đó xây dựng kịch bản ứng phó với rủi ro và lên kế hoạch kinh doanh phù hợp./.

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2