Logistics… trong lòng đất

TP. Hồ Chí Minh được quy hoạch để trở thành trung tâm dịch vụ logistics tầm cỡ quốc tế. Thế nhưng tình trạng các khu đô thị “mọc” lên vùn vụt vừa tăng thêm gánh nặng cho hạ tầng giao thông, vừa làm thu hẹp diện tích đất dành cho lĩnh vực giao thông vận tải vốn đã khiêm tốn, lại vừa gây gián đoạn quá trình lưu thông. Vì thế, chính quyền Thành phố (TP) đang nghiên cứu việc phát triển lòng đất như một trong những chìa khóa quan trọng để giải “bài toán khó” này.

Không gian lý tưởng cho hệ thống vận tải lớn
Do đặc tính không bị chia cắt như không gian trên mặt đất, không gian ngầm rất phù hợp để bố trí các hệ thống vận tải khối lượng lớn, nhanh và không bị ách tắc lại thân thiện với môi trường. Theo các chuyên gia về công trình ngầm, lớp đất phủ có tác dụng chống lại sự truyền tiếng ồn trong không khí, vỏ trái đất có thể hấp thụ chấn động và năng lượng dao động của một vụ nổ. Do đó, nếu xảy ra nổ, phóng xạ nguyên tử hoặc các tai nạn công nghiệp… thì công trình ngầm vẫn an toàn. Một lợi ích nữa là không gian ngầm có thể cách ly với mọi dạng khí hậu, nhiệt độ trong lòng đất tạo ra một môi trường nhiệt vừa phải và đồng đều, giúp tiết kiệm năng lượng và bảo quản nhiều loại sản phẩm. Chính vì vậy, các nước trên thế giới đã và đang tìm mọi cách tiến sâu vào lòng đất.

Canada hiện là đất nước dẫn đầu về việc khai thác không gian ngầm trên thế giới với những thành phố ngầm hoành tráng. Đơn cử là hệ thống thành phố ngầm PATH tại Toronto được bao quanh bởi 2 tuyến metro, 1 bến xe buýt quốc gia kết nối hơn 50 tòa tháp và mạng lưới đường bộ, bên cạnh đó là 6 khách sạn lớn, 20 bãi đậu xe và trung tâm thương mại với 1.200 cửa hàng phục vụ cho hơn 100.000 người… Trong khi đó, Montreal có thành phố ngầm RESTO với 32km đường hầm kết nối 41 khối nhà với đầy đủ các tiện ích xã hội như trung tâm mua sắm với 2.000 cửa hàng, trung tâm thể thao, 40 rạp chiếu phim, bảo tàng… phục vụ hơn nửa triệu khách du lịch tham quan mỗi ngày.

Bản đồ hai khu vực sẽ được lập trước quy hoạch không gian ngầm

 

Khác với các thành phố ngầm ở Canada nằm dưới các tòa nhà thì Nhật Bản lại chú trọng phát triển không gian ở dưới các tuyến đường. Ngoài hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông thì các cửa hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm được ưu tiên xây dựng trong lòng đất để tránh ánh sáng mặt trời làm thay đổi chất lượng sản phẩm. Hơn 60% hoạt động giao thông của thành phố Tokyo được tiến hành dưới đất bằng hệ thống metro khổng lồ.

Tại Singapore, không gian ngầm được sử dụng như các nhà kho khổng lồ, chẳng hạn như khu dự trữ dầu Jurong Rock Cavern rộng 60ha đang xây dựng, các vùng tiềm năng xây hồ chứa nước đang được nghiên cứu… Tất nhiên, không gian ngầm cũng được khai thác cho giao thông với 12km đường cao tốc và 80km tuyến metro.

Từ giấc mơ đến thực tế
Cho đến nay, không gian ngầm vẫn được xem là sân chơi của “nhà giàu” vì đầu tư công trình trong lòng đất cực kỳ khó khăn và tốn kém, có khi chi phí cao gấp 4 - 5 lần so với công trình tương tự trên mặt đất. Bởi lẽ, không như các công trình trên mặt đất có thể điều chỉnh, các công trình ngầm mang tính vĩnh cửu “sai một ly đi một dặm”, từ khâu định hướng, khảo sát, thiết kế, thi công… đều phải được tính thật tỉ mỉ, chính xác. Mà TP.HCM hay cả nước nói chung vẫn thiếu kinh tế để “chơi lớn”. Thế nên, dù đã để mắt đến không gian dưới đất hơn cả chục năm nhưng đại đô thị hiện đại nhất nước vẫn chỉ dám “rón rén” khai thác, sử dụng.

Cũng như chính quyền TP, không gian ngầm đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm khi quỹ đất mặt đang dần cạn. Tuy nhiên, hầu hết đều trong tình trạng “kính nhi viễn chi” nên TP vẫn chưa thể kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào không gian ngầm. Vì sao?

Thiên la địa võng trong lòng đất
Liên đoàn bản đồ địa chất miền Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, điều kiện địa chất của TP nhiều bất lợi, chỉ một số ít khu vực như quận 1, 3, 10… có nền đất tương đối ổn định, còn lại đa phần các quận huyện ngoại vi và ngoại thành như Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè… có nền đất yếu nên các công trình xây dựng trên nền đất loại này có khả năng trượt sạt cao. TP và vùng lân cận lại nằm trên hệ thống đứt gãy kiến tạo sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông hoạt động, xa hơn còn có hệ thống đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải và nằm trong vùng động đất cấp VI, cấp VII. Hoạt động của các đứt gãy còn gây ra nhiều tai biến địa chất khác nhau như nứt đất, sụt đất... Thế nhưng việc khảo sát, đánh giá địa chất rất khó khăn và tốn kém nên đôi khi các nhà đầu tư không thu được thông tin chính xác để có biện pháp thi công phù hợp. Vả lại, chủ đầu tư chỉ khảo sát, đánh giá khu vực họ sẽ thi công dự án chứ không khảo sát khu vực. Trong khi lòng đất là khối liên hoàn có sự tác động lẫn nhau, chỉ khảo sát một khu vực sẽ không lường hết được tác động địa chất. Đa phần công trình xây dựng ngầm xuất phát từ việc chưa tính toán hết các thông số địa chất, dẫn đến việc thi công không đảm bảo. Trên thực tế, chỉ riêng việc thi công tầng hầm của các tòa nhà tại TP HCM, thời gian qua xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng vì công trình xây dựng ở các vùng đất sụt lún hoặc đào trúng vị trí các mạch nước ngầm… Chẳng hạn, vụ thi công phần ngầm của tòa nhà Daewon Hoàn Cầu (quận Bình Thạnh) đã khiến nhà cửa người dân ở khu vực lân cận bị nghiêng lún, rạng nứt phải di dời khẩn cấp, cao ốc Nguyễn Siêu (quận 5) cũng bị nghiêng lún do quá trình đào móng của cao ốc Saigon Residences, hay nghiêm trọng hơn là vụ việc trụ sở Viện Khoa học Xã hội nhân văn khu vực Nam Bộ (quận 1) đã sập đổ hoàn toàn do quá trình thi công tầng hầm của tòa nhà Pacific bên cạnh. Vì thế, Liên đoàn bản đồ địa chất miền Nam và rất nhiều chuyên gia về địa chất công trình đều cho rằng chính quyền Thành phố cần đi trước một bước thông qua việc lập quy hoạch không gian ngầm để biết chỗ nào được xây và xây loại công trình nào, để làm cơ sở cấp phép xây dựng các công trình ngầm cũng như quản lý không gian ngầm.

Phân tầng không gian xây dựng đô thị ngầm

Đó cũng là kiến nghị của những “người trong cuộc”. Theo TS. Phan Hữu Duy Quốc, Phó trưởng Đại diện Liên danh Shimizu –Maeda, là đơn vị thi công tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, vì chưa có quy hoạch không gian ngầm nên chủ đầu tư và các đơn vị thi công thiếu thông tin, dẫn đến quá trình khảo sát ban đầu rất khó khăn và mất nhiều thời gian, “Chúng tôi thu thập thông tin từ khắp các nơi, khảo sát, thậm chí là đào thử. Sau đó đăng trên các phương tiện truyền thông cả tuần lễ nhưng có nhiều hệ thống vẫn không có chủ đến nhận, cuối cùng bắt buộc phải ngưng hoạt động của hệ thống, như cắt cáp, dây điện… thì chủ nhân mới xuất hiện để làm thủ tục di dời. Ấy vậy mà cũng không thể nào phát hiện hết tất cả các công trình, tháng 6.2017 quá trình thi công đã đào trúng ống cấp nước tại ngã tư Lê Lợi – Pasteur. Trước đó, chúng tôi đã không phát hiện được đường ống này. Để tránh lặp lại tình trạng này, TP cần quy hoạch không gian ngầm, trong đó có cơ sở dữ liệu về địa chất và các công trình ngầm hiện hữu để làm rõ hiện trạng về điều kiện địa chất và các công trình đang tồn tại trong lòng đất”, TS. Duy Quốc kiến nghị.

Hiện nay, bên cạnh sở Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước đối với hệ thống năng lượng và cấp điện của TP, sở Thông tin và truyền thông quản lý hệ thống thông tin liên lạc, cáp viễn thông, sở Giao thông vận tải quản lý mạng lưới giao thông đường bộ và cấp thoát nước thì còn rất nhiều hệ thống kỹ thuật do nhiều đơn vị khác quản lý cũng được chôn ngầm. Ngoài ra, chiếm diện tích không gian ngầm nhiều nhất hiện nay là tầng hầm của các cao ốc, phần lớn tập trung ở khu trung tâm hiện đại của TP (11 ha). Tuy nhiên, việc định vị chính xác (công trình gì, quy mô, vị trí, chủ sở hữu… ) các công trình đang tồn tại dưới lòng đất còn rất mơ hồ. Thông tin về các công trình ngầm khá tù mù khiến cho các công trình xây dựng đụng nhau chan chát dưới lòng đất.

Công trường thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM

Nghiên cứu trước 2 khu vực
Sở Quy hoạch – Kiến trúc đang được UBND TP giao trách nhiệm lập quy hoạch xây dựng không gian ngầm đô thị TP.HCM. Cơ quan này cho hay, sẽ thực hiện trước việc lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm tại khu vực trung tâm hiện hữu thành phố (khu 930ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Việc quy hoạch chi tiết các khu vực còn lại sẽ do các nhà đầu tư tổ chức thực hiện dựa trên cơ sở khung pháp lý, quy chế quản lý không gian xây dựng ngầm và được pháp lý hóa thông qua công tác thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Quy hoạch không gian xây dựng ngầm thuộc phạm vi phục vụ dân sự bao gồm không gian công cộng (xây dựng các công trình công cộng, thương mại - dịch vụ), không gian xây dựng công trình giao thông (hệ thống đường sắt đô thị, các hầm vượt sông, hầm đường bộ, bến, bãi giữ xe), không gian để bố trí xây dựng các công trình đầu mối kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật (hệ thống điện, thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước...). Dự kiến các chức năng công trình có thể bố trí theo độ sâu từ 0,5m - 3,5m là hệ thống hạ tầng kỹ thuật, từ độ sâu 0,5m - 10m là công trình thương mại dịch vụ, công trình công cộng, từ độ sâu 0,5m - 25 m là bãi đậu xe ngầm, ga metro sẽ được bố trí ở độ sâu từ 10m trở xuống. Đối với vùng không gian ngầm sâu trên 40m thuộc quyền sử dụng, quản lý của Nhà nước. Khi cần thực hiện dự án thì cơ quan Nhà nước có quyền tiến hành sau khi giám định đảm bảo an toàn đối với các công trình xung quanh và bên trên mà không cần phải đền bù. Theo chỉ đạo của UBND TP, cuối năm 2019 sẽ hoàn thành quy hoạch không gian ngầm.

Không riêng TP.HCM mà hiện nay Hà Nội cũng có kế hoạch phát triển hệ thống mạng lưới giao thông lớn trong lòng đất.

 

Nguồn vlr.vn

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2