Chi phí logistics tăng, hồ tiêu Việt Nam có nguy cơ mất thị trường chính

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), chi phí logistics tăng cao, hồ tiêu Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất đi các thị trường nhập khẩu lớn.

Theo VPA, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam ước đạt 155.000 tấn, giá trị đạt 500 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2020, lượng xuất khẩu giảm 7% tuy nhiên giá trị xuất khẩu lại tăng 41%. Lượng xuất khẩu hồ tiêu giảm bên cạnh yếu tố sản lượng năm 2021 giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thì chi phí logistics là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn và thiệt hại nghiêm trọng.

Chi phí logistics bao gồm 2 phần chính: Phí bến bãi, xếp dỡ, thủ tục hành chính tại cảng xuất và các chi phí liên quan đến vận chuyển container đường biển. Theo tổng hợp từ các doanh nghiệp, giá cước vận chuyển đi các thị trường trọng điểm nhập khẩu hồ tiêu từ tháng 1/2021 cho tới tháng 6/2021 luôn trong chiều hướng tăng với biên độ rất cao và không có dấu hiệu ngừng lại. Hãng vận chuyển đưa ra lý do là hệ lụy từ dịch bệnh COVID-19 dẫn đến thiếu hụt container.

Tuy nhiên, theo VPA, sản lượng container thông qua cảng Việt Nam quý I năm 2021 đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020. "Như vậy, thông tin thiếu container rỗng từ các hãng tàu đưa ra là không chính xác", VPA đưa ra khằng định.

Tăng giá phi mã và không minh bạch

Đối với hồ tiêu Việt Nam, Mỹ là thị trường chính với lượng xuất khẩu chiếm 20-25%/năm và luôn duy trì sức mua ổn định cho tới hiện tại. Bên cạnh đó, EU cũng là thị trường trọng điểm và thị trường hướng đến của hầu hết các doanh nghiệp trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do thúc đẩy tăng sức mua của thị trường này.

Tuy nhiên, theo VPA đây là 2 tuyến vận chuyển đường biển có mức tăng giá cước phi mã và bất thường nhất với mức tăng khoảng 1.500-2.000 USD cho một container 40 feet sau mỗi 2 tuần. Doanh nghiệp cũng chia sẻ với các hãng vận chuyển chịu ảnh hưởng trên diện rộng dẫn đến việc đẩy giá cước tàu lên cao. Tuy nhiên, mức tăng cần được kiểm soát chặt chẽ, công khai minh bạch và có lộ trình báo trước.

Trên thực tế, thị trường Mỹ luôn luôn mua hàng với điều kiện CNF (giá đã bao gồm tiền hàng và cước phí), như vậy rủi ro về chi phí vận chuyển đều do doanh nghiệp Việt Nam gánh chịu. Thời hạn ký hợp đồng giao hàng luôn luôn dao động từ 1 tháng trở lên. Doanh nghiệp có thể chủ động về nguồn hàng nhưng với khâu vận chuyển thì ngược lại. Có thời điểm, trong vòng 1 tháng doanh nghiệp cũng không thể tìm được xác nhận chỗ trên tàu (Booking confirmation) để tiến hàng giao hàng và đến khi tìm được Booking thì giá vận chuyển đã tăng thêm hơn 1.500 USD/1 container 40 feet.

Cước vận chuyển đi Mỹ và EU hiện tại tăng liên tục dao động 2 tuần 1 lần và mức tăng không báo trước, có những lúc lại tăng đột biến. Đặc biệt, có việc tăng chi phí từ đơn vị trung gian là đại lý hãng tàu (Forwarder – gọi tắt FWD) cùng cộng hưởng tạo tâm lý sai lệch về vấn đề tăng giá. Đây cũng là một mắt xích quan trọng vì hầu hết các doanh nghiệp đều làm việc với hãng tàu qua trung gian là FWD. Điều này được chứng minh khi trên thị trường đang "trôi nổi" nhiều mức giá khác nhau cho các vị trí trên cùng một con tàu.

So với thời điểm 2020, cước vận chuyển đi EU thường ổn định ở mức 800-1.200 USD cho 1 container 40 feet, nhưng bây giờ tăng trên 11.000 USD, tức là tăng 12-13 lần so với mức giá đầu năm 2020. Cước vận chuyển đi Mỹ từ 2.000-3.000 USD cho 1 container 40 feet từ đầu năm 2020 đến nay tăng lên 13.500 USD, tức là tăng 5-6 lần.

Theo so sánh của VPA, cước từ các nước châu Á khác như Ấn Độ đi Mỹ và EU lại không tăng nhiều như ở Việt Nam. VPA cũng cho rằng việc tăng này là phi lý và bất thường bởi giá dầu – chi phí cốt lõi để cấu thành ra giá thành trong vận tải đường biển đang ở mức giá thấp hơn nhiều so với trước đây.

Nguy cơ mất thị trường chính

Hiện nay, việc tăng giá cước vận chuyển đường biển là một vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu hồ tiêu, việc giá cước vận tải đường biển tăng giá phi mã, liên tục và không có lộ trình khiến doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Giá cước vận chuyển quá cao dẫn đến việc các doanh nghiệp xuất khẩu đánh mất thị trường về tay các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Theo thông tin của VPA, thời gian gần đây, Mỹ và EU đã chuyển hướng qua mua tiêu từ Brazil vì chất lượng tiêu không quá chênh lệch so với tiêu Việt Nam và quan trọng nhất là chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam và từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.

Với tình hình cước tăng liên tục và không có chiều hướng giảm như hiện nay ngành hàng hồ tiêu Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh ở các thị trường Mỹ. VPA khẳng định: Nguy cơ đánh mất thị trường trọng điểm vào tay đối thủ cạnh tranh là rất lớn.

Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải chấp nhận tất cả rủi ro nhằm cố gắng giữ chân hai thị trường quan trọng này bằng cách cố gắng hạ tối đa lợi nhuận, thậm chí chấp nhận lỗ để giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, việc tăng giá cước phi mã, không có chiều hướng giảm thế này khiến các doanh nghiệp khó có thể trụ thêm được. Đặc biệt hai năm vừa qua, tác động của dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã khiến không ít doanh nghiệp kiệt quệ, trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, nguy cơ phải phá sản, giải thể doanh nghiệp là rất cao.

Trước những khó khăn trên, VPA đã có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét tháo gỡ “vấn nạn thiếu container, thiếu chỗ” và đưa giá cước trở lại như trước đây.

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2